Lịch Sử đất nước Xiêm La - Siam - Thái Lan (P1)

Lịch sử nước Xiêm La cổ đại và nước Thái ngày nay.

Người Thái Lan tự hào về đất nước của họ đã không là một thuộc địa của cường quốc tây phương nào vào cuối thế kỷ 19, quê hương của họ cũng không bị nội chiến tàn phá dù cho nền chính trị có gặp các xáo trộn. Trong thế kỷ vừa qua, giới lãnh đạo Thái Lan đã khôn ngoan trong nền ngoại giao quốc tế nên có thể duy trì được nền độc lập cho xứ sở, họ đã biết tiếp thu các ảnh hưởng tây phương đồng thời vẫn duy trì được chủ quyền quốc gia.

Từ thế kỷ XII tới đầu thế kỷ XX, quê hương này được người ngoại quốc gọi là Siam = Xiêm La cho tới năm 1939, tên chính thức của vương quốc được gọi thành Thái Lan sau một biến cố dân chủ, trong đó danh từ “Thái” có nghĩa đen là “tự do”.

Nguồn gốc của dân tộc Thái được cho là từ tỉnh Vân Nam bên Trung Hoa nhưng cũng có người lại cho rằng dân tộc gốc của xứ sở này đã từ đồng bằng sông Menam Chao Phya đi lên mạn Nam Trung Hoa rồi gặp thời kỳ bành trướng của Đại Hãn Hốt Tất Liệt mà lại phải di chuyển xuống phía nam.

Trong Thế Chiến Thứ Hai, một tù binh người Hòa Lan khi làm con đường xe lửa Thái Lan – Miến Điện, đã khám phá thấy các đồ cổ thời đồ đá tại Ban Kao, thuộc tỉnh Kanchanaburi ở phía tây. Rồi các khai quật tại làng Ban Chiang gần Udon Thani phía đông bắc đã tìm ra các đồ sành, đồ sắt, đồ đồng, nữ trang… và thời đại đồ đồng của Thái Lan còn đi trước nền văn minh của thung lũng hai con sông Tigris và Euphrates, có lẽ vào khoảng 3,600 năm trước Tây Lịch. Văn Hóa Ban Chiang này đã cho thấy người dân thời đó đã biết trồng lúa, nuôi thú vật và đã có các tài khéo léo, làm và trang hoàng các bình sành, chai lọ kim loại…

Các dấu tích khảo cổ cũng cho thấy sự hiện diện của người Ấn Độ tại Thái Lan vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch. Tài liệu Phật Giáo Sinhalese là Mahavamsa còn kể lại Vua Ấn Độ Ashoka (268- 232 trước TL) đã cử hai đặc sứ tới miền Suvannabhumi, thuộc Đông Nam Á. Tới đầu kỷ nguyên Tây Lịch, đã có giao dịch buôn bán qua đường biển giữa Ấn Độ và miền nam Thái Lan. Các tượng Ấn Độ cổ đã được tìm thấy tại cả hai cửa sông miền nam Thái Lan, ghi dấu của thế kỷ thứ 4 sau Tây Lịch.

Trong các thế kỷ tiếp theo Phật Giáo và Ấn Độ Giáo tiếp tục được du nhập vào các miền Đông Nam châu Á và đã được sửa đổi để thích hợp với các nhu cầu địa phương. Tiếng Phạn (sanskrit) được giới quý tộc dùng làm ngôn ngữ triều đình trong khi tiếng Pali là ngôn ngữ của kinh Phật Giáo. Các nhà cai trị địa phương thời bấy giờ có lẽ đã dùng các tu sĩ Bà La Môn làm cố vấn trong việc tổ chức chính quyền. Các sắc dân định cư đầu tiên của xứ Thái Lan là người Môn và người Khmer đã chịu ảnh hưởng Ấn Độ rất nhiều. Các khai quật khảo cổ tại Lopburi và Nakhon Pathom đã chứng minh miền định cư của người Mon từ thế kỷ thứ 7 và nghệ thuật Phật Giáo của thời đại Dvaravati (thế kỷ VI tới thế kỷ XI) là của sắc dân người Môn. Người Khmer nổi tiếng vì khu vực đền đài Angkor Wat, cũng để lại nhiều ngôi đền thờ tại các tỉnh miền đông bắc Thái Lan.

 

copyright: nghiencuulichsu

LỊCH SỬ ĐẤT NƯỚC XIÊM LA - SIAM - THÁI LAN (P2)

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha
Scroll