LỊCH SỬ ĐẤT NƯỚC XIÊM LA - SIAM - THÁI LAN (P2)

mô tả phần nào về dân tôc Thái và tính ngưỡng văn hóa dất nước Xiêm La.

Con người Thái

Có nhiều lý thuyết cắt nghĩa việc định cư của sắc dân Thái. Lý thuyết đáng tin cậy nhất cho rằng vào thế kỷ thứ X, một dân tộc từ tỉnh Vân Nam tại phía nam của Trung Hoa đã di chuyển theo các dòng sông và thung lũng, xuống phía nam và tỏa ra thành các giống dân: người Shan còn được gọi là “Thai Yai” (Thái lớn) di chuyển về phía bắc của Miến Điện, người Ahom Thai định cư tại Assam, một nhóm khác tới đất Lào vào, số còn lại đi qua đảo Hải Nam. Nhóm dân đông nhất là “Thai Noi” (Thái nhỏ) đã thiết lập cơ sở chung quanh Chiang Saen tại miền bắc của nước Thái Lan ngày nay. Họ đã lập nên một nước nhỏ đóng đô tại Sukhothai vào năm 1238 và sắc dân gốc Thái này di chuyển dần xuống phía nam, tới Chiang Rai năm 1281 và Chiang Mai năm 1296 rồi xứ sở Thái được nới rộng tới bán đảo Mã Lai.

Vào thế kỷ XIII vương quốc Thái Sukhothai bắt đầu mở mang, đã lấn át các vương quốc Môn và Khmer. Tại phía nam và trên dải đất hẹp là ảnh hưởng của vương quốc quân sự và thương mại Srivichaiya đã hình thành từ thế kỷ VII mà có người cho rằng vương quốc này đặt kinh đô tại Palembang ở Sumatra, hoặc Chaiya tại miền nam Thái Lan, hoặc tại Kalimantan trên đảo Borneo. Vương quốc Srivichaiya sau đó cũng bị suy tàn vì ảnh hưởng của vương quốc Sukhothai.

Danh từ Sukhothai có nghĩa là “bình minh của hạnh phúc”. Theo tài liệu cổ xưa người dân Thái vào thời đại Sukhothai đã vui sống tự do, đây là thời vàng son của dân tộc Thái Lan với đất nước thanh bình, tài nguyên phong phú và được vị minh quân cai trị. Theo truyền thuyết, người sáng lập ra vương quốc này là vị anh hùng Phra Ruang. Vào thời đó dân tộc Thái phải triều cống cho vua Khmer đóng đô tại Angkor thứ nước thiêng lấy từ một hồ nước bên ngoài Lop Buri vì vị vua Khmer cần nước thiêng từ bốn miền biên giới. Xe bò chở nước trong các lu bằng đất nung lại đi đường xa khiến cho không tránh khỏi bị bể vỡ dọc đường, và người dân Thái đã phải chuyên chở hai hay ba lần mới nạp đủ số nước triều cống. Khi Phra Ruang tới tuổi trưởng thành, ông ta đã chế ra một thứ lu đan bằng tre và được gắn kín, nhờ đó việc chuyên chở nước thật dễ dàng. Sự sáng suốt này khiến cho vua Khmer phái một vị tướng tới để diệt trừ Phra Ruang nhưng ông này đã biến kẻ thù thành đá. Sau đó Phra Ruang kết hôn với con gái tộc trưởng miền Sukhothai rồi trở nên vị vua đầu tiên của vương quốc độc lập Sukhothai. Phra Ruang mang danh hiệu Sri Indraditya. Kể từ thời đại Sukhothai này, đạo Phật đã được truyền bá rộng rãi và đi dần vào nếp sống của dân chúng cho tới ngày nay.

Người con trai thứ hai của vị vua sáng lập kể trên có tên là Ramkamhaeng. Năm 19 tuổi vị hoàng tử này đã theo cha ra trận và đánh thắng kẻ thù trong một trận đấu dùng voi. Vì thế vua cha đã ban cho hoàng tử thứ hai tước hiệu Phra Ramkamhaeng hay Rama, vị anh hùng.

Vương quốc Sukhothai vào thời Ramkamhaeng lên ngôi chỉ là một xứ sở nhỏ hẹp nhưng dưới triều đại này, lãnh thổ đã được mở rộng gấp 10 lần, từ Luang Prabang tại Lào qua cánh đồng trung tâm của dòng sông Chao Phya tới tận bán đảo phía nam, còn tại phía tây, sắc dân Mon của miền nam Miến Điện cũng phải thần phục.

Ramkamhaeng là nhà cai trị và nhà lập pháp và chính khách. Ông đã phát minh ra chữ Thái bằng cách phối hợp hệ thống mẫu tự Khmer với tiếng Thái. Các sắc chỉ viết bằng lối chữ mới đã được Ramkamhaeng dùng từ năm 1292 theo đó mô tả Thái Lan là một miền đất phì nhiêu, đồ ăn dư thừa, tự do buôn bán và cấm chỉ chế độ nô lệ và quyền thừa kế được bảo đảm. Cũng vào thời đại này các trường Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) được thiết lập tại Sukhotai. Các trao đổi văn hóa với các nước ngoài được duy trì vì thế tại nơi đây mới có ảnh hưởng Sinhalese và đặc biệt nhất là đã có mối liên lạc ngoại giao với Trung Hoa. Theo sử liệu, triều đình Mông Cổ thời bấy giờ đã gửi 7 phái đoàn tới Thái Lan và có tài liệu còn ghi rằng chính vua Ramkamhaeng cũng đã qua Trung Hoa vào năm 1299. Thợ thủ công Trung Hoa đã dạy cho người Thái cách làm đồ sứ nhờ đó sản phẩm của Thái Lan được chở qua Trung Hoa và miền Sawankhalok ngày nay còn dấu tích của các lò nung.

Khi Đại Hãn Hốt Tất Liệt đánh chiếm miền nam, Ramkamhaeng đã liên kết với các hoàng tử Mengrai miền Chiang Rai và Ngam Muang miền Phayao để chống ngoại xâm. Tại miền bắc Thái, hoàng tử Mengrai đã sát nhập được đế quốc Môn cuối cùng tại Haripunjaya vào năm 1292 và đã chọn Chiang Mai vào năm 1296 làm kinh đô. Trong khi đó chuyện kể rằng vua Ramkamhaeng đã bị chết đuối tại thác nước của dòng sông Yom ở Sawakhalok. Hoàng tử kế vị là Lo Thai trị vì từ năm 1318 tới năm 1347, ưa thích tu hành hơn nên trong thời đại này liên lạc tôn giáo giữa Sukhothai và Sri Lanka đã được tăng cường. Vua Lo Thai đã cho xây dựng nhiều tòa nhà để cất giữ các dấu tích Phật mới xin được từ Sri Lanka.

Con trai của vua Lo Thai là Li Thai lên ngôi từ năm 1347, cũng sùng đạo Phật nên đã coi trọng tôn giáo hơn quân sự, vì thế ảnh hưởng của miền chư hầu phía nam Ayutthaya lớn mạnh khiến cho Li Thai cuối cùng bỏ đi tu và các thế hệ kế tiếp trở thành các công hầu. Năm 1438 kinh đô Sukhothai suy tàn nhưng thời kỳ Sukhothai đã để lại dấu nét đặc biệt về nghệ thuật thuần Thái Lan nhất.

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha
Scroll